6 Sigma là gì? Cần thực hiện những bước nào trong hệ phương pháp 6 Sigma

 Giống như 5S, 6 Sigma cũng là một phương pháp được áp dụng nhiều trong doanh nghiệp giúp tăng hiệu quả kinh doanh. Vậy 6 Sigma là gì? Bạn hãy cùng Tuổi trẻ và Sắc đẹp tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé !

1. 6 Sigma là gì?

Six Sigma (hay 6 Sigma) là một hệ phương pháp được đưa ra nhằm cải tiến quy trình kinh doanh và quản lý chất lượng. Phương pháp này được xây dựng dựa trên việc thống kê để tìm lỗi và giảm tỷ lệ sai sót. Đồng thời xác định nguyên nhân của lỗi và thực hiện xử lý nhằm tăng độ chính xác của cả quy trình.


6 Sigma là hệ phương pháp cải tiến quy trình kinh doanh và quản lý chất lượng

6 Sigma tập trung vào chủ yếu vào việc nhận diện và nắm bắt toàn bộ các yêu cầu của khách hàng. Cho nên phương pháp này có tính định hướng khách hàng rất cao. Mục tiêu của 6 Sigma là giảm dần các lỗi xuống đến khi chỉ còn 3, 4 lỗi trên mỗi 1 triệu khả năng, hoàn hảo đến mức 99,99966%. Bạn có thể hình dung các cấp độ của Six Sigma cụ thể như sau:

2. Lợi ích khi sử dụng hệ phương pháp Six Sigma

Thực tế đã có rất nhiều công ty hàng đầu áp dụng 6 Sigma trong sản xuất như Motorola, GE, Dow Chemical, Sony, DuPont, Starwood Hotels, Ford, American Standard, Kodak, IBM… Họ áp dụng phương pháp này cũng bởi những lợi ích to lớn của nó mang lại, cụ thể như:

2.1. Giúp giữ lòng trung thành và sự hài lòng của khách hàng 

Các công ty lớn thông qua việc sử dụng công cụ 6 Sigma sẽ tập trung rất nhiều vào việc giảm tỷ lệ lỗi. Từ đó cung cấp cho khách hàng những sản phẩm ổn định và có chất lượng tốt nhất. Lòng tin và sự hài lòng của khách hàng cũng được tăng lên đáng kể.

Các công ty lớn áp dụng 6 Sigma và việc thu hút và giữ chân khách hàng

2.2. Tiết kiệm chi phí, gia tăng lợi nhuận

Doanh nghiệp có thể loại bỏ được sự lãng phí về nhân công hoặc các công đoạn sản xuất không hiệu quả. Đồng thời tiết kiệm được nguyên vật liệu và thời gian nhờ vào việc tỷ lệ lỗi giảm và không bị lặp lại trong tương lai. Chính nhờ điều này mà các công ty có thể giảm bớt được chi phí hàng bán trên mỗi đơn vị sản phẩm, lợi nhuận kéo theo sẽ tăng lên.

2.3. Tiết kiệm chi phí quản lý

Những doanh nghiệp hiểu rõ phương pháp 6 Sigma là gì và áp dụng nó sẽ dành được thời gian cho hoạt động khác nhằm đem lại giá trị cao hơn. Chi phí quản lý cũng sẽ được tối ưu mỗi khi tỷ lệ lỗi giảm xuống và hoàn toàn không tái diễn trong tương lai.

2.4. Góp phần lập kế hoạch chiến lược

6 Sigma là một phần quan trọng trong hoạt động xây dựng tầm nhìn chiến lược. Khi doanh nghiệp đưa ra sứ mệnh, những mục tiêu và thực hiện việc phân tích SWOT, phương pháp 6 Sigma sẽ giúp cho doanh nghiệp tập trung nhiều vào những lĩnh vực cần phải phát triển.

6 Sigma còn giúp doanh nghiệp lập chiến lược hiệu quả hơn

2.5. Quy mô kinh doanh được mở rộng

Khi một doanh nghiệp đã hiểu phương pháp 6 Sigma và loại trừ thành công những nguyên nhân gây ra khuyết điểm. Việc tạo lập được một quy trình đạt chuẩn sẽ chẳng còn khó khăn Từ đó quy mô kinh doanh được mở rộng hơn cùng với những hệ thống đo lường được hình thành và phát huy hiệu quả. 

2.6. Văn hoá doanh nghiệp được cải thiện

Trong hệ thống phương pháp 6 Sigma chú trọng nhiều đến yếu tố con người. Những nhân viên có thể dễ dàng tìm ra những giải pháp cho vấn đề khi được trang bị các công cụ để giải đáp đúng câu hỏi, đo lường đúng đối tượng.

3. Nguyên tắc của 6 sigma là gì?

Để áp dụng 6 Sigma hiệu quả thì doanh nghiệp cần áp dụng các quy tắc riêng

Để có được hiệu quả trong hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp, thì phương pháp 6 Sigma cần phải có những nguyên tắc riêng. Chỉ khi các công ty áp dụng chuẩn và đầy đủ các quy tắc này, hoạt động sản xuất mới được cải thiện. Các nguyên tắc của 6 Sigma cụ thể là: 

3.1. Hướng tới khách hàng 

Giống như những triết lý kinh doanh khác, 6 Sigma tập trung nhiều vào customer’s voice (tiếng nói của khách hàng). Tất cả những sự sửa đổi, cải tiến quy trình đều cần phải được xác định dựa vào yêu cầu, nhu cầu và kỳ vọng của khách hàng. 

3.2. Đề cao dữ kiện và các dữ liệu 

Những thông tin xoay quanh việc áp dụng phương pháp 6 Sigma là gì không phải dựa trên phán đoán một cách mơ hồ mà đều phải được đo lường chính xác. Áp dụng liên tục và chính xác thì mới có thể đưa ra con số 3,4 phần triệu trong độ lệch chuẩn. Trong đó, các doanh nghiệp phải trả lời được 2 câu hỏi tiên quyết là:

Những dữ liệu và dữ kiện nào thực sự cần thiết?

Áp dụng chúng như thế nào để hiệu quả nhất? 

3.3. Quản trị một cách chủ động

Như đã nói ở trên, hệ thống phương pháp 6 Sigma tập trung phần lớn vào việc tìm kiếm và xử lý các khiếm khuyết nhằm tăng sự chính xác của cả quy trình. Từ đó sẽ chủ động trong việc ngăn ngừa rủi ro, chứ không phải để mặc những khiếm khuyết đó rồi tạo ra sản phẩm lỗi xong thụ động xử lý.

3.4. Không có rào cản trong việc

Nhằm tạo ra một quy trình trơn tru, 6 Sigma sẽ tuân theo nguyên tắc cộng tác mà không giới hạn giữa những bộ phận chức năng trong doanh nghiệp. Sự cộng tác này diễn ra theo cả theo chiều dọc, chiều ngang và chéo.

3.5. Hướng tới sự toàn diện nhưng vẫn cho phép mắc lỗi

Tiêu chuẩn của 6 Sigma là 3,4 lỗi trên mỗi một triệu khả năng. Điều đó có nghĩa là không hề có chuyện chính xác 100%. Bởi vậy, các doanh nghiệp sẽ không cần nóng vội ngay từ đầu để có được sự hoàn hảo một cách tuyệt đối. Những phương án nhằm cải tiến quy trình đều được phép thất bại, miễn sao hậu quả phải được giới hạn và bài học cần được rút ra sau đó.

4. Áp dụng hệ phương pháp 6 sigma trong doanh nghiệp

Hệ 6 Sigma trong doanh nghiệp được chia thành 5 bước

Sau khi đã hiểu được 6 Sigma là gì thì việc áp dụng vào doanh nghiệp không còn quá khó khăn. Quy trình truyền thống và cơ bản nhất để thực hiện hệ phương pháp 6 Sigma là DMAIC bao gồm 5 bước:

4.1. D – Define (Xác định)

Đây là bước nhận định về khách hàng và những yêu cầu chất lượng quan trọng cần phải có trong mỗi sản phẩm và dịch vụ. Đồng thời, bạn cũng cần phải chọn ra được khu vực kinh doanh trọng điểm cần triển khai 6 Sigma.

4.2. M – Measure (Đo lường)

Tiếp đó, bạn sẽ trải qua công đoạn thu thập các dữ liệu, thực hiện đánh giá và nhận dạng những vấn đề phát sinh. Từ đó mới có thể tìm ra được nguyên nhân gốc rễ của những khiếm khuyết, lỗi trong quy trình tạo ra sản phẩm.

4.3. A – Analyze (Phân tích)

Việc bạn cần làm ở bước này là xác định khoảng cách giữa các mục tiêu kế hoạch và kết quả thực hiện của công việc hiện tại. Đồng thời xác định những cơ hội cho doanh nghiệp. Các giải pháp được đưa tại bước này phải được kiểm nghiệm chặt chẽ và có thêm những biện pháp dự phòng thay thế.

4.4. I – Improve (Cải tiến)

Đây là lúc bắt đầu thực hiện triển khai các giải pháp cải tiến đã đề ra. Trong thời gian này, bạn cần phải theo dõi một cách sát sao để có thể đưa ra được quyết định bổ sung hoặc thay thế giải pháp khi cần thiết.

4.5. C – Control (Kiểm soát)

Tại bước này, bạn sẽ lên kế hoạch giám sát và kiểm soát các mục tiêu đã đề ra ban đầu. Như vậy sẽ tránh được việc lặp lại các sai lầm cũng hoặc đi sai định hướng. Kiểm soát là một khâu không nên xem nhẹ vì nó có thể quyết định được bạn có áp dụng 6 Sigma thành công hay không.

5. Những câu chuyện thành công khi áp dụng 6 sigma

Rất nhiều công ty, doanh nghiệp lớn trên thế giới đã và đang áp dụng 6 Sigma và hoạt động kinh doanh sản xuất của mình. Điển hình như: Kodak, Sony, IBM, Citigroup, Motorola, Ford, LG… Và cũng có rất nhiều đơn vị thành công, điển hình như 2 câu chuyện dưới đây:

5.1. Samsung tiêu hủy 150.000 sản phẩm lỗi của mình và tạo bước ngoặt táo bạo

Câu chuyện áp dụng 6 Sigma đã đưa Samsung phát triển được như ngày nay

Samsung đã có kế hoạch gia nhập thị trường điện thoại di động toàn cầu. Nhưng rồi đã bị đổ bể khi chiếc điện thoại hàng đầu của hãng lúc đó là Samsung SH-700 có tỷ lệ lỗi lên đến 11,8%. Khoảng 150.000 sản phẩm đã bị buộc phải thu hồi và tiêu huỷ.

Có thể coi đây là một cú sốc lớn đối với Samsung. Nhưng cũng từ đây, họ quyết định thay đổi cách vận hành từ việc sản xuất số lượng lớn sang tập trung vào chất lượng sản phẩm. Hệ phương pháp 6 Sigma được triển khai trên toàn bộ các cấp quản lý cũng như nhân viên của tất cả các bộ phận.

Sau khi thu lại được những kết quả khả quan đầu tiên trong sản xuất, Samsung đã mở rộng phạm vi triển khai 6 Sigma sang marketing, sale và những bộ phận phục vụ gián tiếp cùng với toàn bộ chuỗi cung cấp. Tất cả những nhân viên của họ đều được đào tạo bài bản và hiểu rất rõ 6 Sigma là gì.

Để rồi Samsung đã phục hồi và phát triển quy mô rất nhanh. Những mẫu điện thoại đời sau liên tục được “lột xác” với những sản phẩm trước đó và dần trở thành một trong những cái tên đứng đầu thị trường điện thoại thông minh.

5.2. Ford Việt Nam tiết kiệm 1,2 triệu USD nhờ áp dụng Six Sigma

Ford Việt Nam đã tiết được rất nhiều chi phí khi áp dụng 6 Sigma

Công ty Ford Việt Nam đã bắt đầu triển khai 6 Sigma cho 200 dự án cải tiến quy trình trong mọi lĩnh vực sản xuất của mình trong những năm 2000. Sau 7 năm thực hiện, Ford đã tiết kiệm được 1,2 triệu USD và đạt chỉ số hài lòng của khách hàng lên tới hơn 90% qua từng năm. 

Trong số các dự án đó, có một dự án tiêu biểu là áp dụng 6 Sigma để giảm lượng container chở linh kiện nhập khẩu. Nhận thấy những thùng chứa linh kiện trong các container nhập khẩu vào Việt Nam còn thừa rất nhiều khoảng trống, Ford lập tức sắp xếp lại không gian trong từng container sao cho phù hợp hơn. Từ đó tiết kiệm được không gian, Ford Việt Nam cũng đã tiết kiệm được 150.000 USD ngay trong năm 2005. 

Trên đây là những thông tin mà Tuổi trẻ và Sắc đẹp muốn gửi đến các bạn để trả lời cho câu hỏi 6 Sigma là gì. Hy vọng rằng, qua bài viết này bạn sẽ hiểu rõ hơn về phương pháp hữu ích này và áp dụng hiệu quả trong công việc của mình.

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn